Ngày 25 tháng 11 năm 2021, đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam gồm có TS. Nguyễn Văn Mười, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, ThS. Nguyễn Trung Đức và ThS. Nguyễn Thị Thu đã tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác Việt Trung về ứng dụng công nghệ cao trong Nông nghiệp” do Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức. Tham dự hội thảo còn có 4 điểm cầu tham gia trực tuyến bao gồm: Đại sứ quán Trung Quốc (Hà Nội); Học viện Khoa học Nông nghiệp (KHNN) Quảng Tây (Trung Quốc); Học viện Sinh thái tài nguyên và Sinh học Hồ Nam (Trung Quốc); Viện Khoa học Công nghệ hiện đại (Trung Quốc) và Trường Đại học Nông Lâm Huế (Việt Nam).

 
leftcenterrightdel
Hình 1. Toàn cảnh hội thảo “Hợp tác Việt Trung về nông công nghệ cao trong nông nghiệp” 

Tham luận tại hội thảo, thay mặt nhóm tác giả đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ThS. Nguyễn Trung Đức đã giới thiệu về Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các thành tựu khoa học công nghệ đã đạt được, các chương trình hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các đối tác Trung Quốc giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nhấn mạnh chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt trình độ đứng đầu trong nước, tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực liên quan của đất nước.

Mặc dù đã có một số biên bản ghi nhớ, các chương trình hợp tác với các trường, viện nghiên cứu tại Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm qua, tuy nhiên xét về số lượng thì những sự hợp tác, trao đổi này vẫn còn khiêm tốn. Đến nay vẫn chưa có một chương trình hợp tác toàn diện, chiến lược giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đại học, viện nghiên cứu, các đối tác tại Trung Quốc.

 
leftcenterrightdel
Hình 2. Đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tham dự Hội thảo 

Do vậy, để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2021-2030, đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đề xuất một số lĩnh vực hợp tác chiến lược, quan trọng như sau:

01. Chọn tạo giống cây trồng

ü  Chọn tạo giống cây trồng chính (ngô, lúa), cây rau phổ biến (cà chua, khoai tây, dưa lưới, dưa chuột) kết hợp đa công cụ bao gồm đánh giá kiểu hình cây trồng hiệu năng cao, giải trình tự bộ gene cây trồng và tiến hành chọn lọc dựa trên bộ gene.

ü  Xác định “dấu vân tay ADN” phục vụ bảo hộ giống cây trồng.

ü  Xây dựng mạng lưới trình diễn giống cây trồng giữa hai nước nhằm giới thiệu các giống cây trồng mới và tìm hiểu ảnh hưởng của tương tác kiểu gen – môi trường – phương pháp canh tác đến sự thay đổi năng suất, chất lượng cây trồng.

02. Chọn tạo giống vật nuôi

ü  Chọn tạo giống vật nuôi (lợn, gà, trâu, bò…) kết hợp đa công cụ bao gồm đánh giá kiểu hình hiệu năng cao trên vật nuôi, giải trình tự bộ gene vật nuôi và tiến hành chọn lọc dựa trên bộ gene.

ü  Xác định “dấu vân tay ADN” phục vụ bảo hộ giống vật nuôi.

ü  Xây dựng mạng lưới trình diễn, giới thiệu giống vật nuôi mới giữa hai nước nhằm giới thiệu các giống vật nuôi mới và tìm hiểu ảnh hưởng của tương tác kiểu gen – môi trường – phương pháp canh tác đến sự thay đổi năng suất, chất lượng vật nuôi.

03. Kỹ thuật canh tác, nuôi trồng công nghệ cao

            + Chuyển giao kỹ thuật canh tác cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ hải sản công nghệ cao bền vững, thích ứng với biến đổi của khí hậu.

04. Công nghệ sau thu hoạch: chế biến, bảo quản

ü  Phát triển, chuyển giao công nghệ chế biến sâu, bảo quản nông sản đạt yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, sang các nước trong khu vực và quốc tế.

05. Phát triển công nghệ sinh dược

ü  Công nghệ sinh dược là lĩnh vực tương đối mới và đang phát triển có tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm nghiên cứu thuốc điều trị quan trọng trên thị trường hiện tại có nguồn gốc sinh học như các loại kháng thể, hormone hay vắc xin, phân tích mối liên hệ sức khỏe và bệnh tật, các cơ chế phân tử liên quan, sản xuất và tinh chế các phân tử, xác định độ ổn định, độc tính và khả năng sinh miễn dịch của sản phẩm

06. Đào tạo, tập huấn, kết nối hai bên

ü  Tiến hành tổ chức hội thảo, đợt đào tạo, tập huấn, cho các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao, chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, nuôi trồng và công nghệ sinh học.

ü  Xây dựng đầu mối hai bên thường xuyên trao đổi học thuật, thông tin và kết quả nghiên cứu, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, trao đổi lĩnh vực khoa học khác mà hai bên cùng quan tâm.

ü  Xây dựng mạng lưới trí thức trẻ nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam – Trung Quốc.

Chủ trì Hội thảo, Đồng chí Nguyễn Tuấn Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã đánh giá rất cao bài tham luận của đoàn Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khá bao quát, toàn diện. Ban Tổ chức hội thảo đã tổng hợp các ý kiến tham luận, phát biểu đóng góp của các đoàn khác để đề xuất, xây dựng các chiến lược hợp tác hiệu quả, toàn diện trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hội thảo đã kết thúc thành công, rất tốt đẹp.

 

Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam