Sáng ngày 22/04/2021, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Gia Khánh đã tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình sản xuất giống ngô nếp tím giàu Anthocyanin VNUA141 và giống ngô nếp trắng VNUA69 tại xã Gia Khánh huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Mô hình sản xuất giống ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 trong vụ Xuân năm 2021 tại xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương
Mô hình sản xuất giống ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 trong vụ Xuân năm 2021tại xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Giai đoạn 2020 - 2021, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương giao thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng mô hình sản xuất ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69 tại Hải Dương”. Vụ Xuân 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp khiến Hải Dương phải phong tỏa nhiều nơi. Tuy vậy, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng thành công mô hình sản xuất thương phẩm hai giống ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69 tại 04 huyện Gia Lộc, Thanh Miện, Chí Linh và Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Đây là vụ thứ 4 liên tiếp, hai giống VNUA141 và VNUA69 với ưu thế của giống chọn tạo trong nước đều sinh trưởng, phát triển tốt, giống ngô VNUA141 có thời gian thu hoạch bắp tươi ngắn hơn đối chứng Fancy111, VNUA69 có thời gian thu hoạch bắp tươi ngắn hơn đối chứng HN88 khoảng 5-7 ngày. Mức độ nhiễm bệnh gỉ sắt và sâu đục thân của VNUA141, VNUA69 đều thấp hơn đối chứng Fancy111 và HN88.

Mô hình sản xuất giống ngô nếp trắng VNUA69 trong vụ Xuân năm 2021 tại xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương
Mô hình sản xuất giống ngô nếp trắng VNUA69 trong vụ Xuân năm 2021tại xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

 

Ông Nguyễn Đức Doan, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Gia Khánh cho biết: “Trong vụ Xuân 2021 có các đợt mưa to gió lớn khiến cây ngô bị đổ, gãy. Trong khi hai giống đối chứng HN88 và Fancy 111 bị đổ gãy nhiều, khả năng phục hồi kém sau khi dựng thì hai giống ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69 với khả năng sinh trưởng và thích ứng vượt trội, thân to, rễ chân kiềng dài nên bắp vẫn rất to, kết hạt đều đẹp, năng suất bắp tươi cao hơn hẳn giống ngô HN88 và Fancy 111. Điều đặc biệt là thân lá của hai giống VNUA141 và VNUA69 đến khi thu bắp tươi đều vẫn rất xanh, bền và sạch bệnh. Bà con nông dân trồng ngô tại địa phương tận dụng triệt để làm thức ăn chăn nuôi.”

Bà Tăng Thị Hạnh, Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc đánh giá rất cao hai giống ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69. Trong tình cảnh rau màu tại địa phương bị rớt giá, thì đối với bắp ngô nếp bà con nông dân vẫn bán được từ 10 đến 12 nghìn đồng trên một kilogram. Nông dân trồng ngô vẫn có lợi nhuận nên rất phấn khởi. Hy vọng trong thời gian tới các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục lai tạo các giống ngô có khả năng thích ứng tốt, năng suất và chất lượng vượt để địa phương được thử nghiệm và đưa vào sản xuất, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Nhóm đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng Đại biểu và bà con nông dân tại Hội nghị
Nhóm đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng Đại biểu và bà con nông dân tại Hội nghị

 

Kết luận tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Mười – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng đánh giá: “Hai giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69 qua 4 vụ liên tiếp cho thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Hải Dương thể hiện ở khả năng sinh trưởng khỏe và chống chịu tốt với các điều kiện bất thuận của môi trường. Qua hội nghị này, Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xin được gửi lời cảm ơn đến các cấp Sở, Ban ngành, cùng bà con nông dân đã phối hợp và giúp đỡ Viện triển khai và thực hiện tốt mô hình trong thời gian qua. Trong thời gian tới kính đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cùng các Sở, Ban ngành có liên quan tạo điều kiện cho Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng phát triển, mở rộng sản xuất giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69 trên địa bàn tỉnh trong các mùa vụ tiếp theo.

Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng