Trong năm 2018 UBND tỉnh Hải Dương đã giao Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đề tài: “Ứng dụng và sản xuất hai giống ngô nếp lai chọn tạo trong nước HUA601 và ADI688 có năng suất và chất lượng cao tại tỉnh Hải Dương”.Đề tài do thạc sỹ Phạm Quang Tuân (Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng) làm chủ nhiệm.
Ngô là cây màu được trồng với diện tích lớn tại Hải Dương phục vụ nhu cầu làm ngô quà nội tỉnh và cung cấp cho các địa phương lân cận, đặc biệt là cung cấp cho thị trường ngô nếp ăn tươi ở Hà Nội, nhưng gần đây sản xuất ngô nếp trên địa bàn tỉnh có lúc gặp khó khăn, người sản xuất không thu được lợi nhuận do có những thời điểm giá bán một sào ngô nếp rất thấp, khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng/sào ngô.
Hơn thế nữa, bộ giống ngô nếp có năng suât, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khô vằn, gỉ sắt, chưa đa dang, giống ngô nếp lai được trồng phổ biến triên địa bàn tỉnh hiện này chủ yếu là giống HN 88 được nhập nội vì vậy không kiểm soát được chất lượng hạt giống và độ đúng giống dẫn đến chất lượng bắp tươi giảm. Chính vì vậy việc đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ ngô nếp và đánh giá tuyển chọn các giống ngô nếp mới có khả năng thích ứng tốt, năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho nhà quản lý xây dựng kết hoạch, khuyến cáo cho người sản xuất là vấn đề cần thiết.
Trong năm 2018 UBND tỉnh Hải Dương đã giao Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đề tài: “Ứng dụng và sản xuất hai giống ngô nếp lai chọn tạo trong nước HUA601 và ADI688 có năng suất và chất lượng cao tại tỉnh Hải Dương”.Đề tài do thạc sỹ Phạm Quang Tuân (Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng) làm chủ nhiệm.
Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI và các địa phương, tiến hành lựa chọn địa điểm triển khai, tập huấn kỹ thuật thâm canh thương phẩm 2 giống ngô nếp HUA 601 và ADI 688 cho các hộ sản xuất và cán bộ địa phương. Quy trình kỹ thuật áp dụng theo quy trình kỹ thuật canh tác đối với giống ngô nếp HUA 601 và ADI 688 của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng. Phương pháp khảo sát đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ ngô theo phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia PRA. Phương pháp đánh giá, theo dõi các chỉ tiêu: Thời vụ trồng, mật độ cây/ha, thời gian sinh trưởng, một số đặc điểm sinh trưởng, phát triển, mức độ nhiễm sâu bệnh hại, phân bón, năng suất và chất lượng thử nếm áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-56:2011/BNNPTNTvề khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống ngô.
Kêt quả mô hình thâm canh thương phẩm hai giống ngô nếp lai HUA 601 và ADI 688 tại huyện Thanh Miện, Gia Lộc và thị xã Chí Linh với tổng diện tích120 ha cho thấy: Hai giống ngô nếp lai HUA601 và ADI688 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Hải Dương, hai giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày(khoảng 78 ngày vụ Xuân và 74 ngày vụ Thu Đông đối với giống HUA 601, khoảng 79 ngày vụ Xuân và 71 ngày đối với giống ADI 688), độ đồng đều cao, đóng bắp tốt, cứng cây và bền thân lá. Giống HUA601 và ADI688 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là bệnh khô vằn và gỉ sắt, tỷ lệ đổ rễ thấp và chống gãy thân tốt. Cả 2 giống đều có năng suất bắp tươi và tỷ lệ bắp loại 1 cao hơn đối chứng(giống HUA 601 năng suất khoảng 14 tấn/ha vụ Xuân và 12,91 tấn/ha vụ Thu Đông; giống ADI6 88 năng suất khoảng 13,7 tấn/ha vụ Xuân và 12,95 tấn/ha vụ Thu Đông), chất lượng ăn tươi ngon, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Bước đầu cho thấy, giống HUA601 và ADI688 có ưu điểm vượt trội hơn các giống ngô nếp nhập nội do được sản xuất hạt lai F1 trong nước, chủ động trong cung ứng nguồn hạt giống phục vụ cho sản xuất thương phẩm, góp phần giảm giá thành hạt giống và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân. Ngoài ra do hai giống có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt do đó giảm được tiền mua thuốc và công chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế khi gieo trồng giống ngô nếp lai HUA 601 và ADI 688 tại các mô hình, cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống ngô nếp hiện tại ở địa phương từ 11 - 12,1%.
Hai giống ngô HUA 601 và ADI 688 phù hợp với chất đất của các huyện Thanh Miện, Gia Lộc, thị xã Chí Linh và các địa phương của tỉnh Hải Dương. Đề nghị các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích trồng hai giống ngô này để đa dạng hóa cây trồng trong tỉnh, nhất là cây màu vụ Đông, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nâng nghiệp của tỉnh.
Bài của Phạm Quang Tuân, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Thị Nguyệt Anh
Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2019