Chọn tạo giống ngô thực phẩm (ngô nếp, ngô đường, ngô rau…) là hướng nghiên cứu chính của phòng Nghiên cứu Cây trồng cạn, Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng. Bên cạnh các giống ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, các giống ngô thực phẩm đang có cơ hội phát triển mở rộng về quy mô diện tích canh tác thương phẩm lẫn khả năng chế biến đa dạng sản phẩm sau thu hoạch, góp phần mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân so với nhiều loại cây lương thực khác.
Năm 2022, sau hơn 7 năm nghiên cứu lai tạo và phát triển, phòng Cây trồng cạn đã có hai sản phẩm gồm giống ngô nếp lai VNUA16 và VNUA69 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận lưu hành theo quyết định số 103/QĐ-TT-CLT và quyết định số 104/QĐ-TT-CLT. Tiếp tục thành công của hướng nghiên cứu trên, nhiều sản phẩm ngô thực phẩm đã được phòng Cây trồng cạn nghiên cứu chọn tạo và đánh giá ở các tỉnh phía Bắc. Vụ Xuân Hè 2022, kết hợp với Hội nông dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, phòng Cây trồng cạn tiến hành đánh giá thử nghiệm một số tổ hợp ngô thực phẩm bao gồm hai giống ngô nếp hoa dẻo ngọt VNUA20, VNUA22 và một giống ngô đường trắng siêu ngọt SSW18. Đây là các tổ hợp ngô lai đơn có triển vọng về năng suất và chất lượng ăn tươi.
Phòng Nghiên cứu Cây trồng cạn đã lựa chọn triển khai đánh giá các giống ngô lai thực phẩm mới tại thị xã Sa Pa vì đây là điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực miền núi phía Bắc, với rất đông khách du lịch tới thăm quan nghỉ dưỡng quanh năm, có nhu cầu tiêu thụ khá lớn đối với ngô thực phẩm. Thị xã Sa Pa có khí hậu ôn hòa và mát mẻ nên trong vụ Xuân Hè 2022, cả ba tổ hợp ngô lai mới thử nghiệm đều sinh trưởng phát triển khỏe, sạch sâu và nhiễm nhẹ bệnh đốm lá, chống đổ tốt, chịu lạnh tốt, khả năng kết hạt tốt. So với khu vực đồng bằng sông Hồng, thời gian từ lúc gieo trồng đến thu hoạch bắp tươi của các giống ngô lai thực phẩm mới trồng tại Sa Pa kéo dài từ 5-7 ngày. Thời gian gieo hạt của 3 giống ngô từ 20-25/3/2022 và thời gian thu hoạch của giống ngô nếp VNUA22 là 85 ngày, giống ngô nếp VNUA20 là 87 ngày, thời gian thu hoạch bắp tươi của giống ngô siêu ngọt SSW18 là 75 ngày. Tại mô hình trồng ngô ở phường Hàm Rồng, thị xã SaPa, trong hai giống ngô nếp hoa dẻo ngọt đang khảo nghiệm tác giả, giống ngô VNUA22 được đánh giá cao hơn về năng suất bắp tươi; đạt tỷ lệ 2 bắp/cây lớn (xấp xỉ 40%); dự kiến thu hoạch từ 2000-2300 bắp ngô tươi trên sào (360 m2). Chiều dài bắp đạt 20 cm, đường kính trên 4,5cm; 14-16 hàng hạt/bắp; bắp kết hạt tốt, màu sắc hạt trắng pha lẫn tím đỏ. Bắp luộc dẻo ngọt, có mùi thơm hấp dẫn. Với giá bán dự kiến từ 12.000-15.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập từ 4-4,3 triệu/sào ngô nếp thương phẩm.
Đặc biệt, giống ngô siêu ngọt trắng SSW18, sản phẩm mới nhất được phát triển từ đề tài tiềm năng do ThS. Nguyễn Văn Hà-phòng Nghiên cứu Cây trồng cạn chủ trì, cũng được trồng thử nghiệm và đánh giá cao tại các điểm trình diễn tại thị xã Sa Pa. Giống ngô SSW18 là con lai F1 của hai dòng ngô đường mang gen siêu ngọt sh2 nên thương phẩm có ưu thế lai cao về chất lượng và năng suất. Đánh giá tại mô hình, bắp ngô SSW18 đạt chiều dài từ 19-20cm khi tách bỏ lá bao và đạt trên 40 cm khi giữ nguyên lá bao và cuống; đường kính đạt từ 4,5-4,7cm, 12-14 hàng hạt, hạt to dài màu trắng, sâu cay, lõi nhỏ; tiềm năng năng suất đạt trên 120 tạ bắp tươi/ha và độ ngọt đạt trên 18% (0brix). Đặc điểm nổi bật của giống ngô đường siêu ngọt SSW18 khả năng ăn tươi trực tiếp tại đồng ruộng mà không cần qua chế biến. Cảm quan cho thấy bắp ngô đường trắng SSW18 ở giai đoạn chín sữa có độ giòn, vị ngọt đậm, tan vỏ, không có vị ngái của ngô tươi. Nhóm nghiên cứu sẽ nghiên cứu quy trình canh tác đặc biệt cho sản phẩm ăn tươi trực tiếp này để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới đây.
Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình trồng thử nghiệm hai giống ngô nếp và giống ngô đường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, do Hội Nông dân thị xã tổ chức ngày 21/6/2022 đã đưa ra kết luận bước đầu: sau 3 tháng triển khai, hai giống ngô nếp VNUA20, VNUA22 và giống ngô đường trắng SSW18 đã sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu tại Sa Pa trong vụ Xuân Hè 2022; sản phẩm có giá trị hàng hóa cao và mang lại nguồn thu nhập tốt cho các nông hộ tham gia mô hình. Các giống ngô thực phẩm nói trên cần tiếp tục được mở rộng hơn trong các vụ tiếp theo để có kết quả đánh giá chính xác; đồng thời hội nông dân sẽ bố triển khai ở các vùng thấp hơn để có thể trồng nhiều vụ/năm.
Phòng Nghiên cứu cây trồng cạn cam kết với địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nông nghiệp, Hội Nông dân để cung cấp hạt giống, kỹ thuật cho việc mở rộng thử nghiệm sản xuất các giống ngô thực phẩm triển vọng tại Sa Pa và các vùng sinh thái tương tự. Phòng Nghiên cứu Cây trồng cạn rất mong được hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để hoàn thiện công nghệ sản xuất tiến tới công nhận lưu hành và phân phối hạt giống ngô thực phẩm mới, chất lượng cao ra ngoài sản xuất./.
Nhóm nghiên cứu mạnh Cây màu- Phòng Nghiên cứu Cây trồng Cạn - Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng