leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan là một trong những người tiên phong nghiên cứu về lúa lai ở Việt Nam. 

Tạo ra giống lúa lai đầu tiên ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, năm 1990 khi đang là giảng viên Đại học Nông nghiệp I, ông bắt tay vào nghiên cứu lúa lai. Lúc này ở Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu lúa lai đang là một khoảng trống. Ông cùng PGS.TS Nguyễn Thị Trâm khi ấy là những người đầu tiên nghiên cứu về lúa lai. Nhiệm vụ khi ấy là phải tạo ra được những giống lúa lai trong nước, khắc phục tình trạng nhập khẩu lúa lai từ Trung Quốc, không chủ động được nguồn giống mà chi phí lại tăng cao. Bắt đầu từ “bàn tay trắng”, ông có 4 năm để chuẩn bị nguyên liệu lai. Sau bao nhiêu nỗ lực không ngừng nghỉ, thức trắng nhiều đêm trong phòng thí nghiệm, năm 1994, giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam ra đời có tên Việt Lai 20.

Việt Lai 20 là giống lúa lai hai dòng hạt dài từ giống mẹ 103S và giống bố R20. Đây là giống lúa ngắn ngày, năng suất 7 - 8 tấn/ha trong khi lúa thuần ngắn ngày chỉ đạt 4 - 5 tấn. Chất lượng lúa dẻo, thơm, phù hợp trồng trong nhiều điều kiện khác nhau. “Đây thực sự là bước đột phá về nghiên cứu lúa lai ở Việt Nam. "Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động bởi công sức nghiên cứu của mình đã được đền đáp. Nói về hiệu quả của giống lúa, chắc không ai đo đếm được. Từ khi có Việt lai 20, chúng ta không còn phải nhập khẩu giống lúa lai từ Trung Quốc nữa. Vùng nguyên liệu để sản xuất lúa giống hình thành, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Mỗi mùa vụ đều chủ động được nguồn giống. Năng suất lúa rất cao, bà con hồ hởi, vui mừng”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho hay.

Khi được hỏi vì sao lại chọn tên Việt Lai 20, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan hài hước: “Việt Lai là giống lúa lai của Việt Nam. Còn 20 là tên của giống bố. Con phải lấy họ bố chứ!”.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Văn Hoan (phải) dành trọn đời nghiên cứu lúa lai. 

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan tốt nghiệp đại học ở Bulgaria và về Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội công tác từ năm 1977. Từ khi còn công tác đến khi đã nghỉ hưu, niềm đam mê và một mong ước cháy bỏng: Phát triển được giống lúa có nhiều ưu điểm, phù hợp điều kiện trồng cấy ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của người nông dân một nắng hai sương và cuối cùng là góp một phần sức lực tới công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn nước ta. Ðể đi tới thành công của giống Việt Lai 20, trước đó ông đã nghiên cứu thực nghiệm 3.000 tổ hợp lai khác nhau. Ông nói, ông gặp may vì đây là một tỷ lệ thành công cao. Thường các nhà khoa học muốn tìm được một giống mới phải thực nghiệm khoảng 8.000 tổ hợp lai.

Việt Lai 20 có nhiều ưu điểm vượt trội so với khoảng 10 tổ hợp lai khác nhập từ Trung Quốc và Ấn Ðộ. Trong đó, chi phí giá thành để sản xuất giống Việt Lai 20 thấp hơn hẳn, chất lượng hạt giống cao, được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống cây trồng Trung ương công nhận là giống đạt chất lượng loại I. Việt Lai 20 cho loại gạo hạt trong, dài, mềm cơm, không bết như một số loại gạo khác, bởi vậy loại gạo này được thị trường ưa chuộng và được nông dân bán ra với giá đắt hơn 10% so với gạo bình thường. Việt Lai 20 còn có ưu điểm là loại lúa có tính chống chịu cao, dễ tính, có thể trồng được ở vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, phù hợp vùng trung du và miền núi.

Tiên phong tự chủ nghiên cứu

TS Nguyễn Văn Hoan cho rằng, thành công của Việt Lai 20 (VL20) không chỉ là thành công của cá nhân hay một nhóm nghiên cứu, mà nó đã khẳng định rằng, các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ lai tạo. Nếu ngày trước, hằng năm chúng ta phải bỏ ra một khoản tiền khoảng 40 - 50 triệu USD để mua giống nhập nội, thì hôm nay chúng ta có thể thay thế đến 60% (khoảng 30 triệu USD).

Quan trọng hơn, thành công này đã kích thích sáng tạo đối với các nhà khoa học, vô hình trung đã hình thành nên một trường phái nghiên cứu về lúa lai hai dòng sánh ngang với thế giới trong Trường Đại học Nông nghiệp I. Chỉ một năm sau, giống TH3-3 ra đời và được công nhận là giống quốc gia, tiếp đó là giống VL24, TH3-4 rồi TH5-1 cũng lần lượt được công nhận. Những giống lúa lai TH3-3, TH3-4 do TS Nguyễn Thị Trâm và cộng sự ở Viện Sinh học Nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội chọn tạo cũng đã đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân do giá thành hạt giống rẻ hơn 25 - 30%, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn 20%, năng suất cao và giá thành thóc thương phẩm cao hơn 10%.

leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan. 

Năm 2006, Viện Nghiên cứu Lúa được thành lập do PGS.TS Nguyễn Văn Hoan là Giám đốc. Đây là một trong những viện nghiên cứu đầu tiên hoạt động theo tinh thần của Nghị định 115: Các đơn vị nghiên cứu hoàn toàn tự lập (tự hạch toán, tự nghiên cứu, tự trả lương). Để tự chủ, Viện đã đăng ký kinh doanh tiến hành sản xuất hạt giống bố mẹ bán cho các công ty giống cây trồng các tỉnh; sản xuất hạt giống F1 đóng gói nhãn mác bán cho bà con nông dân.

Một trong những giống lúa lai đem lại nguồn thu lớn cho Viện là VL20. Do tính ưu việt vượt trội, VL20 nhanh chóng được đặc cách công nhận là giống quốc gia trước hơn một năm và được bà con nông dân chấp nhận rộng rãi. Ngày nay, VL20 đã được gieo trồng trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành cả nước như Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội...

Sau khi nghỉ hưu mấy năm, đến 2017, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan đã chuyển hẳn vào Chư Prong, Gia Lai để sinh sống và tiện cho việc nghiên cứu lúa. Ông bảo, thời tiết ở Tây Nguyên phù hợp cho sức khỏe của ông, cũng như thuận lợi để nghiên cứu các giống lúa. Giống lúa mới đây nhất ông làm thành công là Hạt vàng 36. Ông đã chuyển giao giống cho doanh nghiệp và nhận về 5% doanh thu bán giống. Ông bảo điều nuối tiếc nhất của mình là các giống lúa lai này không được chuyển giao hẳn cho Nhà nước mà tự các nhà khoa học đi tìm nguồn để bán. Nếu Nhà nước mua lại, giao cho các công ty, đơn vị sản xuất thì giá trị của các giống lúa sẽ tăng lên hàng trăm, hàng nghìn lần so với việc để cá nhân tự giao dịch với nhau.

“Trong tay tôi còn có 2 giống siêu lúa lai nữa, tôi vẫn chưa có kế hoạch chuyển giao mà muốn tiếp tục nghiên cứu để tối ưu, làm sao đem lại những giống lúa made in Vietnam ngon nhất, năng suất cao nhất, đem lại lợi nhuận lớn nhất cho người nông dân”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Lúa lai đem lại năng suất cao, chất lượng tốt, rất phù hợp để trồng ở vùng ngập mặn, vùng khô hạn, vùng có khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, chống biến đổi khí hậu rất tốt. Thế nhưng phát triển lúa lai ở Việt Nam lại có nhiều rào cản. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, chính nhận thức của một số nhà khoa học chọn tạo giống cũng yếu kém, thậm chí có người làm chuyên môn mà không biết gì về thế hệ lúa lai thứ 3. Vì nhận thức chưa đúng nên có thời điểm, Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai của Viện Khoa học Nông nghiệp bị giải tán. Mãi 3 năm trước đến nay mới khôi phục lại, nhưng cán bộ, vật liệu nghiên cứu đã tan rã hết.

Để phát triển lúa lai phải có vật liệu di truyền, nhưng Nhà nước lại không công nhận giống bố mẹ mà chỉ công nhận tái tổ hợp. Thế là nghiên cứu lúa lai mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy giữ “bí quyết” của mình. Mỗi nhóm nghiên cứu lại giữ bằng được vật liệu di truyền, không chia sẻ rộng rãi vì đó là tài sản chất xám nghiên cứu của họ. Trong khi các giống lúa làm ra thì tự mình chuyển giao, tìm doanh nghiệp để ký kết chứ Nhà nước không đứng ra thu nhận để phát triển. “Chúng ta đang làm sai, đi ngược lại quá trình nghiên cứu. Đó là rào cản cần phải tháo gỡ để đưa lúa lai phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân và xã hội”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chia sẻ.

"Việt Nam là nước tiếp nhận công nghệ lúa lai của Trung Quốc khá sớm, trong đó, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn là người đầu tiên trực tiếp đưa công nghệ lúa lai về Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ lúa lai 3 dòng và 2 dòng trong tự tạo ra giống lai đưa vào sản xuất trên diện rộng."

Theo Khoa học & đời sống